Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

Giáo án tình yêu

Giáo án tình yêu



Mỗi trang giáo án đều phải là một ý tưởng mới, nếu không muốn học trò cảm thấy nhàm chán. Những đêm khuya lặng lẽ kết nối một câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích với đời sống thực tế hôm nay, lên kế hoạch cho những bài tập khơi gợi tính tìm tòi, sáng tạo của học trò, cô giáo trẻ càng thấm thía sức mạnh của những trang văn trong việc dạy cách sống, cách làm người. Bởi cô hiểu rằng trong mỗi học trò ngồi ngơ ngác nơi lớp học kia là cả một tâm hồn phong phú và những tiềm năng chưa được đánh thức. Với học trò Trường Mạc Đĩnh Chi, có lẽ cô Trang là cô giáo đầu tiên dám bản lĩnh tuyên bố trước lớp: “Để dạy hết chương trình được giao, tôi chỉ cần hai tháng. Để dạy các em cách cảm thụ, cách sống, cách yêu thương, tôi mới cần tới chín tháng”.
Những câu chuyện về tình cha con, lòng dũng cảm, sự sẻ chia lồng vào trong bài giảng đã làm rung động bao thế hệ học trò. Với hai bài đọc văn lớp 11

là “Về thăm cố hương” - Lê Hữu Trác và “Cha tôi” - Đặng Huy Trứ, cô giáo yêu cầu học trò sưu tầm những mẩu chuyện về tình phụ tử. Buổi học hôm ấy khi một bạn đứng lên đọc phần sưu tầm của mình mang tên “Mong ba sớm trở về”, ghi lại câu chuyện của một đứa trẻ có người cha tù tội mong ngóng ngày cha mãn hạn, cả lớp và cô giáo đều bật khóc. Có học trò sau đó đã tâm sự thật lòng: “11 năm cắp sách đến trường nhưng em chưa bao giờ khóc vào tiết văn như hôm nay”.
Với gợi ý của cô giáo, những cuốn tập san mang tên Chân dung cuộc sống hay Tạo thương hiệu cá nhân, Những câu chuyện về tình phụ tử, Truyện ngụ ngôn được học trò sưu tập, thể hiện và bày tỏ thái độ, xúc cảm, quan điểm của mình. Những bức ảnh gây xúc động, những cánh hạc bên trong ghi “lời hay ý đẹp” cô sưu tầm được, những bản nhạc ấm áp như khoan dung, đồng cảm, động viên bao giờ cũng là phần không thể thiếu trong mỗi giáo án. Cô khuyên trò nên viết nhật ký, nhật ký của bản thân, nhật ký lớp để ghi lại những kỷ niệm đẹp và nhắc nhở mình sống tốt hơn. Cô sưu tầm những câu chuyện hay trên Internet như Thư gửi con của Tổng thống Mỹ Abraham Lincohn, chuyện về ba cây cổ thụ, về sức mạnh của dấu chấm câu..., trang trí thật đẹp để tặng trò. Cô biết những món quà đó đã được dán đầy góc học tập của học trò ở nhà như những kỷ vật luôn đồng hành cùng các em trong những bước đi khôn lớn.
Trong căn hộ nhỏ ở chung cư Bàu Cát 2 (Tân Bình), cô Trang cho chúng tôi xem “gia tài” lớn nhất của mình: hàng trăm bức thư, bài kiểm tra, trang nhật ký thấm đẫm nước mắt học trò. Nhưng với cô giáo chưa tròn 30 tuổi đam mê nghiệp dạy văn này, chính “gia tài” ấy mới thật sự là những tác phẩm văn học trọn vẹn và vô giá.